Giải pháp nâng cao chất lượng môn Sử thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia
Thực hiện kế hoạch năm học và chủ trương của Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội: “Nhà trường chug tay phát triển – Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm”. Chiều ngày 28/03/2024, Sở GD&ĐT TP Hà Nội kết hợp với trường THPT Mạc Đĩnh Chi và trường THPT Chu Văn An thực hiện chuyên đề: giải pháp nâng cao chất lượng môn Sử thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia.
Lịch sử là môn học quan trọng đối với việc giáo dục thế hệ trẻ, giúp các em xác định được nhiệm vụ hiện tại, có thái độ đúng với sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, thực trạng học sinh không hứng thú với môn lịch sử trong cả nước nói chung và ở trường THPT Mạc Đĩnh Chi nói riêng dẫn đến việc học sinh không nắm được kiến thức cơ bản nhất là đối với chương trình ôn thi THPT là một vấn đề đối với giáo viên giảng dạy môn lịch sử nói chung. Điều đó dẫn đến tỉ lệ và điểm trung bình môn lịch sử của trường những năm đầu còn thấp.
Chia sẻ kinh nghiệm quý báu
Là lứa học sinh cuối cùng học và thi theo chương trình THPT 2006, thời điểm này cùng với việc giảng dạy theo chương trình chính khóa thì việc đẩy mạnh ôn thi và rèn luyện cho học sinh lớp 12 nhằm giúp các em đạt được kết quả cao trong kì thi THPT sắp tới. Qua buổi chuyên đề, các thầy cô giáo trường THPT Mạc Đĩnh Chi và trường THPT Chu Văn An đã có những chia sẻ quý báu, kinh nghiệm ôn thi cho học sinh qua nhiều năm.
BGH hai trường: THPT Mạc Đĩnh Chi – THPT Chu Văn An trao đổi.
Giải pháp nâng cao chất lượng môn Sử thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia
Trong buổi học, cô Hoàng Thị Lan Hương, giáo viên môn Lịch sử trường THPT Chu Văn An đã thực hiện chuyên đề: “Việt Nam từ 1930 – 1945”.
Cô Lan Hương và học sinh trong tiết học chuyên đề.
Buổi học đã thu hút đông đảo các em học sinh lớp 12 trường THPT Mạc Đĩnh Chi tham gia.
Các em được học với nhiều phương pháp học tập mới, tiếp thu bài hiệu quả mà không thấy bị áp lực khô khan, đồng thời củng cố thêm kiến thức lịch sử Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, tiếp thêm nhiều năng lượng cho kì thi Tốt nghiệp THPT sắp tới.
Không còn là môn học "khô khan"
Trước đây, lịch sử đối với Nguyễn Thị Bích Hường (HS lớp 12A Trường THPT Mạc Đĩnh Chi) là môn khô khan với những mốc thời gian khó nhớ. Sau buổi học, cảm nhận của Hường và các bạn trong lớp về môn học đã thay đổi. Hường cho biết các phương pháp em tiếp thu được như: học từ dễ đến khó, áp dụng các trò chơi vào bài học, kết hợp với biểu đồ, lược đồ, sơ đồ tư duy sẽ giúp chúng em nhớ bài nhanh hơn và làm mới môn Lịch sử, cũng như lựa chọn được cho riêng mình phương pháp ôn thi phù hợp để đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới.
Em Nguyễn Thị Bích Hường (HS lớp 12A Trường THPT Mạc Đĩnh Chi)
Giáo viên nhóm Sử trường THPT Mạc Đĩnh Chi và THPT Chu Văn An trao đổi sau buổi học.
Sau khi buổi học chuyên đề kết thúc, các thầy cô nhóm Sử trường THPT Chu Văn An và trường THPT Mạc Đĩnh Chi cùng thảo luận, góp ý, chia sẻ về các phương pháp dạy môn Lịch sử và các giải pháp để nâng cao chất lượng thi TNTHPTQG.
Qua trao đổi, giáo viên dạy Lịch sử của trường THPT Mạc Đĩnh Chi đã thống nhất các giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2024.
Đối với giáo viên, cần bám sát các văn bản hướng dẫn chuyên môn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT.
Căn cứ vào kế hoạch ôn thi của trường, tổ chuyên môn, cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT để xây dựng riêng cho mình một kế hoạch giảng dạy và ôn tập cụ thể, chi tiết đến từng chủ đề, chuyên đề.
Trong quá trình dạy, giáo viên cũng phải hướng tới cách dạy học hiểu và vận dụng kiến thức để giúp học sinh nắm được bản chất vấn đề, liên hệ được với các vấn đề mang tính thời sự.
Sau mỗi một chủ đề hay chuyên đề nên có các bài kiểm tra nhỏ để đánh giá mức độ đạt được của học sinh, từ đó có hướng điều chỉnh cuối đợt nên có bài kiểm tra tổng hợp nhằm đánh giá kiến thức tổng hợp của học sinh.